Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 06 KCN, KKT được thành lập và phê duyệt quy hoạch, bao gồm: KCN Nam Đông Hà (98,75ha), KCN Quán Ngang (318,13ha), KCN Quảng Trị (494.9ha), KCN Tây Bắc Hồ Xá (339,36ha), Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (15.804 ha), Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (23.792ha), Tổng diện tích đất theo quy hoạch của 07 KCN, KKT là 40.847,14 ha.
Lũy kế đến nay tại các KCN, KKT có 182 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 159.958 tỷ đồng (trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 56.157 tỷ đồng), trong đó 116 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 10.325 tỷ đồng, 66 dự án đang xây dựng, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.632 tỷ đồng; Có 35 dự án đang nghiên cứu với tổng vốn đầu tư dự kiến đăng ký là 153.589 tỷ đồng.
Về mặt thuận lợi, có thể nói so với các địa phương khác cũng có định hướng thu hút trong ngành năng lượng thì Quảng Trị có lợi thế nhất định về mặt quy hoạch. Cụ thể, Quy hoạch Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung và cả nước, mở ra hướng phát triển mới của tỉnh, nhiều dự án đã được tỉnh xin quy hoạch trong thời gian tới, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo lớn, mang tầm quy mô- Quảng Trị lợi thế có đường biển dài hơn 75 km với tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, vì vậy tỉnh đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Tại khu kinh tế Ðông Nam, Quảng Trị cùng Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc gồm: Công ty cổ phần năng lượng Hanwha, Tổng công ty Ðiện lực Nam Hàn Quốc, Tổng công ty Khí Hàn Quốc đã khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 công suất 1.500 MW với tổng số vốn đầu tư hơn 54 nghìn tỷ đồng, phấn đấu quý I/2023 khởi công xây dựng nhà máy, phát điện vào năm 2026 và 2027. Dự án này là chuỗi công trình liên kết chặt chẽ đồng bộ với nhau, dự án nhằm đầu tư xây dựng nhà máy điện khí độc lập tại hai xã Hải An và Hải Ba trên tổng diện tích hơn 140 ha, sử dụng khí LNG và mỏ khí tự nhiên ngoài khơi để hoạt động.
Cũng trong tháng 3/2022, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đã đề xuất đầu tư và xin bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII). Theo đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 72.000 tỷ đồng (tương đương 3,1 tỷ USD); có vị trí cách bờ biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng khoảng 8km; quy mô công suất 1.000MW, diện tích nghiên cứu 22.000ha, diện tích chiếm mặt biển có thời hạn (bố trí trụ tuabin) 350ha.
Bên cạnh đó, do là tỉnh đi sau trong quá trình đầu tư và phát triển quỹ đất công nghiệp nên tổng diện tích đất trống dành cho các dự án án đầu tư vào địa phương là tương đối lớn. Với lợi thế đến từ 2 khu kinh tế (KKT Đông Nam và Khu KT- TM đặc biệt Lao Bảo) Điều này sẽ cho phép tỉnh nhà chuẩn bị công tác sẵn sàng thu hút các dự án quy mô lớn, nhằm có tác động thúc đẩy sự phát triển chung của các ngành dịch vụ đi kèm.
Chỉ riêng trong 02 năm vưa qua, Quảng Trị cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án lớn như: Liên danh nhà đầu tư: VSIP-Amata- Sumitomo đầu tư KCN Quảng Trị; Công ty cổ phần tập đoàn T&T đầu tư khu dịch vụ du lịch Gio Hải; Công ty cổ phần Quang Anh Quảng Trị đầu tư xây dựng KCN Tây Bắc Hồ Xá; Trong lĩnh vực năng lượng hiện đang có dự án tổ hợp nhà đầu tư T&T –HEC – Kogas- Posko đầu tư Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 1500MW.
Ngoài những lợi thế trên, Quảng Trị cũng đón nhận một tin vui vào năm 2019 khi có phát hiện mỏ khí Kèn Bầu nằm trong Lô 114 và ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc Tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km. Ước tính ban đầu trữ lượng của mỏ Kèn Bầu có từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate. Đây có thể là một cơ sở tài nguyên tự nhiên quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng khí tại Quảng Trị trong tương lai sắp tới.